Hàng loạt dự án BĐS xây dựng dở dang, nguồn cung căn hộ suy giảm, nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm vốn. Giải pháp nào để gỡ nút thắt về vốn cho BĐS?

Tuần qua, có một sự kiện khá được thị trường quan tâm, đó là hội nghị về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Suốt từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gần như rơi vào cảnh đóng băng giao dịch, nhiều dự án gặp khó trong việc triển khai xây dựng tiếp.

Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn bất động sản

Tìm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn bất động sản

Tại hội nghị, khá nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất, trong đó, đề xuất được nhắc đến nhiều nhất là cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ bởi vì nếu doanh nghiệp chậm thanh toán thì sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế hơn. Thứ 2 là được nới hạn mức cho vay và thứ 3 là giảm lãi suất.

Đề xuất gỡ vốn cho thị trường bất động sản

Các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị được nới lỏng các điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn NovalandNovaland đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land: Với việc cơ cấu nợ, với Hưng Thịnh, câu chuyện nhảy nhóm nợ thì chưa nhưng không phải là không nhảy. Vì vậy, trong trường hợp nếu NHNN không có chính sách quyết liệt và hỗ trợ trong việc cơ cấu lại nhóm nợ thì đến một thời điểm nào đó thì câu chuyện nhảy nhóm nợ cũng có thể xảy ra.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh: Chúng tôi không sợ lãi suất vay của các ngân hàng dù đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%). Lãi suất vay đó chúng tôi chịu được nhưng vấn đề phải tiếp cận được.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, 70% khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý, vì thế, đề xuất NHNN và các Bộ ngành liên quan cần có giải pháp đồng bộ tháo gỡ.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc Tập đoàn Novaland: Ách tắc pháp lý dự án phía Nam rất lớn, ví dụ như TP Hồ Chí Minh mấy nghìn trường hợp, TP Hà Nội chỉ có khoảng 350 trường hợp. Ách tắc pháp lý này chính là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến chi phí sản phẩm bất động sản đến tay người dân rất cao.

Ông Paul Wee, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW: Thủ tục pháp lý đang là một trong những khó khăn vướng mắc nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã phải gia hạn thời gian dự án, có dự án đã chậm tiến độ đến 2 năm rưỡi mà vẫn chưa có giấy phép. Để khắc phục tình trạng này tôi nghĩ cần có 1 hướng dẫn cụ thể về thuế, các giấy tờ thủ tục hành chính hoặc các chính sách rõ ràng để đi đúng hướng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp, trao đổi thông tin với nhau tốt hơn. Cuối cùng, ở một số nước phát triển nhanh, việc thành lập các liên bộ liên ngành là cần thiết bởi đối với những dự án lớn, họ sẽ là người liên kết kết nối để giải quyết các vướng mắc thủ tục pháp lý bằng cách nhanh nhất.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun GroupHiện nay, bất động sản nghỉ dưỡng cũng coi là ngành không khuyến khích nên rất khó để tiếp cận vốn vay, thậm chí lãi suất lên đến 14-17%, chi phí tài chính cao thì hiệu quả hoạt động không có.

Nợ xấu bất động sản tăng ca

Theo số liệu của NHNN, Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đến cuối 2022 là 1,81%, tăng so với mức 1,67% của năm 2021.

Bất động sản cũng là 1 trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cho vay cao, Dư nợ cho vay đạt 2,58 triệu tỷ đồng, mức tăng trưởng tín dụng lên đến 24,2% trong năm ngoái, cao gấp rưỡi mức tăng trưởng tín dụng bình quân của hệ thống. Số liệu cho thấy là dòng vốn vẫn đổ vào BĐS, không bị siết chặt như nhiều người lo ngại.

Tín dụng bất động sản

Tín dụng bất động sản

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp tuần qua cũng khẳng định là: Không có chỉ đạo siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; mà là kiểm soát chặt chẽ rủi ro ở một số phân khúc có tỉ lệ rủi ro cao trong bất động sản, doanh nghiệp có tính chất đầu cơ, có thể gây ra tình trạng bong bóng hay đóng băng thị trường bất động sản. Việc kiểm soát là để đảm bảo an toàn hệ thống. Do đó, cần kiểm soát để đảm bảo an toàn hệ thống.

Bất động sản đáp ứng nhu cầu thực vẫn được ưu tiên vốn

Có mức tăng tín dung bất động sản đến 17% vào năm ngoái, NH này cho biết, họ tập trung đẩy mạnh vốn cho bất động sản khu công nghiệp, vì đây là phân khúc ít rủi ro hơn, phục vụ mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết: “Ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room, vẫn cho vay bất động sản khu công nghiệp, cho vay dự án nhà ở tốt”.

Ngoài ra, các khoản vay mua nhà ở thực cũng được ưu tiên. Hiện cho vay nhà ở chiếm trên 62% dư nợ, dư nợ cho vay quyền sử dụng đất gần 21%. Mặc dù vậy, tín dụng cho nhóm này có tăng chậm lại gần đây.

Có thể thấy hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được cho vay theo quy định.

Nói về room tín dụng cho bất động sản, lãnh đạo NHNN đã khẳng định không thiếu hạn mức cho vay vì đang thời điểm đầu năm nên các Ngân hàng có nhiều dư địa. NHNN cũng không quy định room cho từng lĩnh vực, phân khúc. Lựa chọn cho vay DN nào phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, trong đó có vốn cho bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng. NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các dự án khả thi, có khả năng trả nợ đúng hạn, dự án đáp ứng nhu cầu của người dân (nhất là dự án nhà ở xã hội).

Bất động sản ở thực

Bất động sản ở thực

Riêng với đề xuất giảm lãi suất cho vay, lãnh đạo 1 số ngân hàng thương mại lớn có chia sẻ bên lề hội nghị là các ngân hàng đã chủ động họp bàn, cân đối các điều kiện để giảm lãi suất huy động, là cơ sở để giảm lãi suất cho vay bởi chính các NH cũng cần DN bất động sản phục hồi và phát triển. Có như vậy mới có điều kiện trả vốn và lãi cho NH. Gỡ khó cho thị trường bất động sản cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khơi thông các thị trường khác như trái phiếu doanh nghiệp, để thị trường vốn thực sự phát triển bền vững, lành mạnh và an toàn. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ vốn của ngân hàng, để thúc đẩy thị trường bất động sản rất cần sự phối hợp đồng bộ về chính sách và cơ chế từ các Bộ ngành liên quan.

Cần làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bất động sản ấm hơn, chương trình Dòng chảy tài chính với khách mời là ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cao Ốc Quốc tế Hồ Tây để hiểu rõ hơn vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!

Nguồn: vtv.vn