Search

Bố trí sử dụng đất Phú Quốc không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2030), mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lâu dài; đặc biệt đáp ứng mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố đảo Phú Quốc trở thành đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt của cả nước trong tương lai.  

Phú Quốc – Quan điểm sử dụng đất

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội; phương án sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; tăng giá trị kinh tế, tài chính đất đai đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất, vừa đáp ứng mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài cho phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Sử dụng đất tiết kiệm, thiết thực, hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ đất đai làm giảm hiệu quả sử dụng đất và phân tán nguồn lực đầu tư. Ưu tiên đất đai cho xây dựng các khu du lịch, các trung tâm dịch vụ, thương mại, cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là giao thông đối ngoại (hàng không, hàng hải), các tuyến đường trục của huyện, đường vòng quanh đảo, các khu dân cư mới gắn với phát triển du lịch và đô thị, các khu vực bảo tồn.

Quy hoạch không gian đô thị Phú Quốc 2030

Quy hoạch không gian đô thị Phú Quốc 2030

Trong sử dụng đất cho xây dựng ở các khu vực phát triển du lịch, dịch vụ – thương mại và đô thị, cần phát huy cao lợi thế về giá trị đất đai vào phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, kết hợp hài hoà giữa phát triển với bảo tồn, tôn tạo.

Trong sử dụng đất nông nghiệp, cần tập trung cho chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Sản xuất nông nghiệp phải tạo môi trường sinh thái cho phát triển du lịch, đồng thời ngành du lịch tiêu thụ sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp, nông nghiệp và du lịch gắn kết chặt chẽ với nhau trong quá trình phát triển. Trong sử dụng đất lâm nghiệp cần kết hợp hài hoà giữa chức năng phòng hộ với phát huy hiệu quả về kinh tế, nâng cao giá trị sinh thái rừng phục vụ cho phát triển du lịch một cách bền vững.

Phú Quốc – Định hướng sử dụng đất theo khu chức năng

Sự phân hóa theo không gian các yếu tố tự nhiên, tài nguyên và sự phát triển không đồng đều đã hình thành nên những đặc thù trong phát triển kinh tế – xã hội của từng tiểu vùng, đòi hỏi phải có những tác động hợp lý để giúp từng tiểu vùng phát huy thế mạnh, khắc phục các hạn chế để sử dụng hợp lý quỹ đất. Đặc biệt, Phú Quốc là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, được tổ chức thành khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt gắn với hình thành các khu chức năng như: Khu sản xuất nông nghiệp; khu lâm nghiệp; khu du lịch; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khu phát triển công nghiệp; khu đô thị; khu vực đô thị – thương mại – dịch vụ; khu ở, làng nghề, sản xuất phi nông nghiệp nông thôn. Do đó, định hướng phát triển các khu chức năng trên địa bàn thành phố Phú Quốc như sau:

– Khu sản xuất nông nghiệp (Khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm): Tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu 500-550ha (Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ); các loại cây ăn quả có nhu cầu lớn cho dân cư trên đảo và một phần cho nhu cầu của du khách du lịch 1.000-1.500ha như dừa, sầu riêng, xoài, bưởi, quít, chôm chôm…

Nông nghiệp Phú Quốc

Nông nghiệp Phú Quốc

– Khu lâm nghiệp (khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng): Đối với khu vực rừng phòng hộ, tiếp tục khôi phục và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ nhằm đảm bảo an ninh – quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên thuỷ sản và động vật hoang dã. Đặc biệt chú trọng khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ sung yếu khu vực đảo Thổ Chu, Hòn Thơm và khu vực ven biển phường An Thới. Định hướng đến năm 2030, thành phố ổn định khoảng 7.651ha đất rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Dương Tơ, Cửa Dương, Thổ Châu, Hàm Ninh, phường An Thới và phường Dương Đông.

Đối với khu vực rừng đặc dụng: Chủ yếu là thông qua bảo tồn nguyên trạng, tạo ra những môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật đặc hữu, các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học. Việc phục hồi hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng phải tuyệt đối tôn trọng diễn thế tự nhiên. Biện pháp chủ yếu được áp dụng là khoanh nuôi và tái sinh tự nhiên, hạn chế trồng lại rừng. Việc trồng lại rừng ở rừng đặc dụng chỉ tiến hành đối với phân khu phục hồi sinh thái và cần thực hiện đúng biện pháp kỹ thuật, cơ cấu cây trồng là cây bản địa. Dự kiến đến năm 2030, trên địa bàn thành phố Phú Quốc có 29.545ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Hàm Ninh, Cửa Cạn và Dương Tơ.

– Khu du lịch: Phát triển các khu du lịch cao cấp kết hợp vui chơi giải trí chất lượng cao tại Bãi Sao, Bãi Cửu Cạn, Bãi Dài, Bãi Vòng, Bãi Thơm và các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại Bãi Trường, Bãi Khem, Bãi Thơm, Bãi Ông Lang, Bãi Vũng Bàu, Bãi Rạch Tràm, Gành Dầu, Bãi Rạch Vẹm, Mũi Ông Đội, Bãi Đá Chồng, Suối Đá Bàn, Quần đảo Nam An Thới với tổng quy mô khoảng 7.000-8.000ha.

– Khu phát triển công nghiệp (khu công nghiệp, cụm công nghiệp): Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu và lợi thế sẵn có của thành phố, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, giải quyết việc làm và sản xuất hàng hoá phục vụ khách du lịch. Định hướng đến năm 2030, trên địa bàn thành phố sẽ bố trí quy hoạch khu – cụm công nghiệp Hàm Ninh và khu – cụm sản xuất nước mắm (khu II) trên địa bàn phường An Thới với tổng quy mô 70-80ha.

– Khu đô thị – thương mại – dịch vụ: Phát triển khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới và tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, các khu vui chơi giải trí ở trung tâm các xã với quy mô khoảng 6.000-7.000ha.