Phú Quốc dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông, bao gồm: đường bộ, đường thuỷ, cảng biển, cảng hàng không nhằm tăng khả năng giao lưu giữa đảo Phú Quốc với đất liền, với các đảo ở vùng biển Tây Nam và với các nước trong khu vực. 

Đường hàng không Phú Quốc:                         

– Sân bay quốc tế Phú Quốc (Dương Tơ): Đã được đầu tư, xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng quy mô 905ha, đạt tiêu chuẩn cấp 4E (theo tiêu chuẩn ICAO), phát triển kết cấu hạ tầng sân bay đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay B 777, B 787, A 350 hoặc tương đương hoạt động. Dự kiến đến năm 2030, nhà ga hành khách công suất cảng 4-6 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hoá công suất đạt 100.000-200.000 tấn hàng hoá/năm. Đến năm 2030, nhà ga hành khách công suất cảng 15 triệu hành khách/năm và nhà ga hàng hoá công suất đạt 500.000 tấn hàng hoá/năm.

Quy hoạch đường hàng không Phú Quốc

Quy hoạch đường hàng không Phú Quốc

– Sân bay Dương Đông (sân bay cũ): Dự kiến sẽ sử dụng để xây dựng khu đô thị thương mại.

Hệ thống cảng biển Phú Quốc:

– Khu bến tại khu vực phường An Thới: Là khu bến hàng hóa chính của Phú Quốc, kết hợp hành khách. Bao gồm bến cứng tại bãi Cây Dừa cho tàu đến 3.000 DWT và bến phao chuyển tải tại vịnh An Thới cho tàu đến 3 vạn DWT. Năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,3-0,5 triệu T/năm hàng hóa và 190-250 ngàn lượt khách/năm. Đến năm 2030, quy mô quy hoạch của cảng dự kiến có năng lực thông quan 0,5-0,6 triệu tấn hàng hoá/năm và 440.000 hành khách/năm, bao gồm 02 khu chức năng: khu cảng đầu mối gồm cầu dẫn dài 132m, rộng 8,5m và cầu chính dài 100m, rộng 15m có thể cùng lúc cập 01 tàu 3.000 tấn và tàu chở khách ven biển có sức chở 200-300 khách; khu cảng chuyển tải (bến phao) cho các loại tàu biển trọng tải 30.000 tấn và tàu chở khách quốc tế từ 1.000-2.000 khách.

Cảng An Thới Phú Quốc

Cảng An Thới Phú Quốc

– Khu bến tại khu vực Vịnh Đầm: Xây dựng mới với chức năng chính là đầu mối tiếp nhận hàng và khách giao lưu giữa đất liền với đảo, kết hợp là nơi trú tránh bão cho tàu thuyền. Quy mô gồm: đê ngăn sóng dài khoảng 1250m; bến hành khách với 3-4 cầu bến cho tàu cao tốc, cánh ngầm sức chở 150-250 hành khách; bến hàng hóa với 2 cầu bến cho tàu chở hàng đến 3.000 DWT và bến phao cho tàu chở hàng lỏng 5.000 DWT. Năng lực thông qua năm 2030 khoảng 0,6-0,7 triệu T/năm hàng hóa và 760 – 880 ngàn lượt khách/năm.

Cảng vịnh đầm Phú Quốc

Cảng vịnh đầm Phú Quốc

– Khu bến tại khu vực Mũi Đất Đỏ: Quy mô cảng biển quốc tế tổng hợp và dịch vụ hậu cần dầu khí Phú Quốc; xây dựng các công trình phục vụ ngành dầu khí, căn cứ cho các nhà thầu cung cấp dịch vụ ngành dầu khí, khu sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Cầu cảng tiếp nhận tàu 10.000-80.000 DWT. Xây dựng đê chắn sóng phía Tây và phía Nam của khu cảng.

– Cảng hành khách quốc tế Dương Đông (tại phường Dương Đông): Là cảng hành khách đa chức năng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể tiếp nhận tàu khách du lịch và hàng hoá. Quy mô Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc với năng lực thông qua đến năm 2020 khoảng 200.000 khách, cỡ tàu cập bến 225.000GT và 30.000 DWT; đến năm 2030 dự kiến 500.000 khách, cỡ tàu cập bến 225.000GT và 30.000 DWT (sức chở từ 5.000 đến 6.000 khách, kết hợp làm hàng xuất nhập khẩu cho tàu tổng hợp 15.000 đến 30.000 tấn). Tổng quy mô cảng 179,3ha, bao gồm 2,8ha diện tích đất liền và 176,5ha diện tích mặt nước biển; cảng xây dựng cầu tàu dài 400 m, trong đó cầu chính dài 240m, rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả hai bên. Một cầu dẫn dài 1.020 m được xây dựng từ bờ ra cầu tàu để đưa hành khách vào đảo. Vị trí xây dựng cảng hành khách nằm dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt từ trong khu đô thị chạy ra biển theo hướng Tây nên cũng thuận tiện kết nối giao thông, đồng thời sẽ tạo nên một điểm nhấn cho đô thị Dương Đông trong tương lai.

Cảng dương đông Phú Quốc

Cảng dương đông Phú Quốc

– Khu bến Bãi Vòng: Quy mô Khu bến Bãi Vòng phát triển mở rộng diện tích khu hậu cần cảng, xây dựng mới thêm các cầu cảng tiếp nhập các loại tàu hàng, tàu cao tốc, phà biển, du thuyền và thuỷ phi cơ cập bến. Năng lực thông qua đến năm 2020 khoảng 350.000 khách, đến năm 2030 dự kiến 500.000 khách; cầu cảng hàng hoá tiếp nhập tàu từ 1.000-3.000 DWT. 

Cảng bãi vòng Phú Quốc

Cảng bãi vòng Phú Quốc

– Khu bến Đá Chồng: Quy mô Khu bến Đá Chồng tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu cao tốc, phà biển. Năng lực thông qua đến năm 2020 khoảng 200.000 khách, đến năm 2030 dự kiến 350.000 khách; cầu cảng hàng hoá tiếp nhận tàu từ 1.000-2.000 DWT. 

– Tuyến cáp treo: Theo Quyết định 868/QĐ-TTg ngày 17/6/2015; Quyết dịnh 486/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh cục bộ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030; trên địa bàn thành phố Phú Quốc quy hoạch tuyến cáp treo từ phường An Thới ra đảo Hòn Thơm phục vụ phát triển du lịch thành phố đảo. Tuyến cáp treo Hòn Thơm có tổng chiều dài khoảng 7.900m, nối từ phường An Thới qua các đảo Hòn Rỏi, Hòn Dừa tới Hòn Thơm; toàn bộ hệ thống cáp treo có hai nhà ga, 6 trụ cáp, trong đó trụ lớn nhất T4 có chiều cao 174 m; với thiết kế gồm 69 cabin, mỗi cabin có sức chứa 30 khách, vận hành ở vận tốc tối đa đạt 8,5m/s, cáp treo Hòn Thơm rút ngắn thời gian di chuyển của du khách từ An Thới tới Hòn Thơm xuống còn 15 phút thay vì 30 phút di chuyển bằng cano trên biển.

Hòn Thơm Phú Quốc

Hòn Thơm Phú Quốc

– Các trung tâm đánh bắt hải sản lớn như Hàm Ninh, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm xây dựng bến cảng cá và du thuyền. Xây dựng các cảng du lịch Hòn Thơm, Bãi Trường, mũi Móng Tay, Rạch Vẹm.